KA-UniKA-Uni
2024-01-15

Khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp

Khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp

Chị Hồng Trang, đại diện Công ty TNHH Thiết kế Đỉnh Cao cho biết vừa qua Công ty của chị tiến hành một số thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên không biết do khách quan hay cố tình, cơ quan có thẩm quyền đăng ký đã thực hiện không đảm bảo thời hạn đăng ký theo quy định làm ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty. Vì vậy, Công ty muốn gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền để nhanh chóng giải quyết quyền lợi cho Công ty, chị Trang. Trình tự, thủ tục và đơn khiếu nại được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

TRẢ LỜI:

          Theo Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, sửa đổi, bổ sung Điều 119a vào sau Điều 119 quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp như sau:

           “Điều 119a. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp

          1. Người nộp đơn và tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

          2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn khiếu nại trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn khiếu nại thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

          3. Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ quyết định hoặc thông báo liên quan. Đơn khiếu nại được nộp dưới hình thức văn bản giấy hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.

          4. Trong trường hợp khiếu nại liên quan đến quyền đăng ký hoặc các nội dung khác cần thẩm định lại, người khiếu nại phải nộp phí thẩm định lại.

          5. Thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định lại đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này hoặc người khiếu nại sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại, thời gian thẩm định lại, thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại không tính vào thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

          Thời hạn thẩm định lại được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ.

          6. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại không quy định tại Điều 119a Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.”.

          Công ty của chị Trang có thể tham khảo quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trên đây để yêu cầu các cơ quan có chức năng liên quan giải quyền quyền và lợi tích chính đáng của Công ty theo quy định của pháp luật.